VUI KHỎE HỌC HAY CÙNG HAPPY HOUSE #17: CÁCH PHÒNG BỆNH TAY CHÂN MIỆNG CHO TRẺ
Tay chân miệng là một căn bệnh nguy hiểm và dễ mắc ở trẻ lứa tuổi mầm non, mẫu giáo. Để phòng tránh bệnh tay chân miệng cho trẻ, phụ huynh cần chú ý những điều sau:
- Giữ vệ sinh cá nhân
Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ vệ sinh tay thường xuyên dưới vòi nước chảy bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Không nên cho trẻ dùng chung đồ dùng cá nhân với người lớn chẳng hạn như khăn tắm, khăn mặt, cốc, thìa…
- Giữ vệ sinh ăn uống
- Khi nấu thức ăn cho trẻ, phụ huynh cần vệ sinh tay và dụng cụ nấu ăn sạch sẽ. Các vật dụng ăn uống như chén bát, thìa cốc… của trẻ phải được rửa sạch, tốt nhất nên tráng nước sôi trước khi sử dụng.
- Đảm bảo cho trẻ ăn chín uống sôi. Không nên cho trẻ mút tay hay bốc thức ăn, khử trùng thìa, bát trước khi cho trẻ ăn.
- Nguồn nước cho trẻ uống hay dùng để đun nấu cần đảm bảo sạch sẽ.
- Thường xuyên vệ sinh không gian vui chơi và làm sạch đồ chơi của trẻ
Phụ huynh nên chú ý vệ sinh không gian vui chơi của trẻ, đặc biệt là những nơi mà trẻ hay tiếp xúc như dụng cụ học tập, mặt bàn, mặt ghế, sàn nhà, cầu thang… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Bên cạnh đó, các loại đồ chơi của trẻ cũng cần phải được làm sạch mỗi ngày.
Các biện pháp làm sạch đồ chơi cho trẻ:
- Đối với đồ chơi chung (tại nhà trẻ, trường học), nên tiến hành khử trùng hàng ngày hoặc mỗi buổi. Rửa đồ chơi với xà bông, nước, khử trùng bằng các chất tẩy rửa, tráng lại nước và lau bằng khăn sát trùng.
- Với đồ chơi rửa được bằng nước:
+ Ngâm (bằng nước ấm) với xà phòng, rửa lại bằng nước sạch, hong khô;
+ Hoặc ngâm trong dung dịch thuốc tẩy đã pha loãng với tỷ lệ 1:50, tráng lại với nước và hong khô;
+ Hoặc lau bề mặt bằng gạc cồn.
- Với đồ chơi không rửa được bằng nước, có thể lau bằng gạc cồn, lưu ý các góc, hốc cạnh, chỗ nứt.
- Các dấu hiệu của bệnh tay – chân – miệng ở trẻ rất dễ nhận biết, cha mẹ cần lưu ý, bao gồm:
- Sốt: Trẻ bị sốt, mệt mỏi, có thể sốt nhẹ từ 37,5 – 38 độ C, có thể sốt cao từ 38 – 39 độ C. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
- Tổn thương ở da: Rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…
- Một số trẻ có thể đau rát ở răng và miệng, đau rát họng, bỏ ăn, nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc…
- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
- Nếu con trẻ đã mắc bệnh, tạm thời không cho con đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc những nơi đông người cho tới khi các triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ em đã lui hẳn.
Hi vọng số phát sóng ngày hôm nay của Vui Khỏe Học Hay Cùng happy House sẽ mang đến cho quý phụ huynh những thông tin đúng đắn để chăm sóc sức khỏe của bé yêu nhà mình.
Cảm ơn quý phụ huynh đã theo dõi. Hãy tham khảo thêm nhiều kỹ năng trong việc nuôi dạy con cùng Vui Khoẻ Học Hay Cùng Happy House trong các số tiếp theo nhé! Chương trình do An Group thực hiện, phát định kỳ 11:30 trưa thứ 4 và Chủ nhật trên kênh Youtube Xuân Hiếu Official và fanpage Happy House. Kính mời quý phụ huynh đón xem.