VUI KHỎE HỌC HAY #32: NUÔI THÚ CƯNG – LÀM SAO ĐỂ AN TOÀN CHO TRẺ?
Nhiều gia đình nuôi thú cưng và coi chúng là người bạn thân thiết trong cuộc sống. Thế nhưng với những nhà có trẻ nhỏ thì nên lưu ý một số điều sau để an toàn cho con trẻ nhé.
- Chọn thú cưng an toàn
Ví dụ gia đình muốn nuôi chó, hãy chọn giống chó có tính cách mang xu hướng dịu dàng. Nên tránh các giống quá hung hăng vì đôi khi sẽ không an toàn cho trẻ, bởi chúng ta thường không nắm rõ hành động của con vật.
- Tìm hiểu kĩ thông tin về vật nuôi
Trước khi nhận nuôi thú cưng, hãy tìm hiểu thông tin về sự phát triển của giống chó hay mèo đó. Con vật sẽ lớn đến kích cỡ nào? Con bạn có bị dị ứng không? Chi phí chăm sóc thú cưng là bao nhiêu? Hay nếu bạn nuôi nhiều loài khác nhau, chúng có dễ gây xung đột với nhau không?
- Mua hoặc nhận vật nuôi từ các nguồn uy tín, tin cậy
Nếu không, có thể bạn sẽ chăm sóc vật nuôi đang bị bệnh. Cần đảm bảo vật nuôi đó khỏe mạnh và đã tiêm chủng đầy đủ. Như vậy sẽ tránh lây bệnh cho mọi người trong gia đình, nhất là trẻ nhỏ.
- Phòng tránh các bệnh của thú cưng
Gia đình cần phải tắm rửa thường xuyên cho thú cưng và chích ngừa cho chúng đúng lịch, vừa phòng bệnh cho con bạn và cả gia đình vừa giúp thú cưng khoẻ mạnh hơn.
- Đảm bảo an toàn nơi công cộng
Con vật thường xuyên bị nhốt trong nhà sẽ có xu hướng tăng động hơn khi được dẫn ra ngoài chơi. Và chúng ta thì không thể kiểm soát được chúng hoàn toàn vì dù sao chúng cũng là động vật. Vì vậy, mỗi lần đưa thú cưng đi chơi nơi công cộng cùng với trẻ, hãy đảm bảo rọ mõm và dây xích cho chó, mèo để tránh chúng có thể làm hại người xung quanh hay vô tình làm hại trẻ do hoảng sợ.
- Đề phòng các bệnh nhiễm trùng từ thú cưng
Lông, nước bọt, chất thải của thú cưng chứa rất nhiều vi khuẩn dễ gây nhiễm trùng cho con người, dù là chúng có được tắm rửa sạch sẽ mà mạnh khỏe đến đâu. Ngoài ra, các loài kí sinh trên động vật như ve và bọ chét cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh cho người. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao lây bệnh từ động vật, và hệ thống miễn dịch của trẻ giai đoạn này vẫn đang trong quá trình phát triển chưa hoàn thiện. Vì vậy, nên hạn chế để trẻ tiếp xúc với thú cưng.
- Làm sao vẫn đảm bảo an toàn cho trẻ khi trong nhà có vật nuôi?
– Tạo thói quen cho tất cả các thành viên trong gia đình là nên rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc mọi thứ liên quan đến vật nuôi.
– Cha mẹ hãy dạy bé dù là thú cưng nhà nuôi, nhưng trẻ cũng không được đùa giỡn với thú mạnh bạo, bất ngờ làm con vật bị đau, hay lấy đồ ăn từ miệng con vật. Không cầm/đạp vào đuôi của chúng… bởi chúng có thể giật mình và tấn công trẻ.
– Hãy thường xuyên nhắc nhở trẻ không đút thức ăn vào miệng vật nuôi bằng tay. Không đưa tay vào miệng mình sau khi chạm vào vật nuôi.
– Dạy con bạn không được chạm vào thú cưng của người khác khi chưa được phép, ngay cả khi các con vật tỏ ra thân thiện. Thực tế, những vật nuôi mà bạn đã tìm hiểu kĩ, bạn vẫn không thể đoán trước được chuyện nguy hiểm gì có thể xảy ra.
Cảm ơn quý phụ huynh đã theo dõi. Hãy tham khảo thêm nhiều kỹ năng trong việc nuôi dạy con cùng Vui Khoẻ Học Hay Cùng trong các số tiếp theo! Chương trình do An Group thực hiện, phát định kỳ 11:30 trưa thứ 4 và Chủ nhật trên kênh Youtube Xuân Hiếu Official và fanpage Happy House. Kính mời quý phụ huynh đón xem.