VUI KHỎE HỌC HAY #35: NHỮNG NGUYÊN TẮC CẦN NHỚ KHI NÓI CHUYỆN VỚI CON

 

  1. Tránh công kích cá nhân trẻ

Khi nói chuyện với con, cha mẹ cần đưa ra những lời khuyên mang tính chất xây dựng, tránh công kích cá nhân hoặc xúc phạm trẻ như “con thật lười biếng”, “con thật kém cỏi”… Những lời công kích có thể gây tổn thương và phá hủy lòng tự trọng của trẻ. Thậm chí, lời nói của cha mẹ có thể khiến đứa trẻ ám ảnh suốt đời. Thay vì chỉ trích con, cha mẹ có thể bày tỏ ý kiến bằng cách hỏi han và thể hiện sự quan tâm con. Ví dụ: “Hôm nay con có vẻ mệt, có phải con đang lo lắng chuyện gì không?”, “Dạo này con làm bài thi không tốt lắm, bố mẹ có thể giúp gì cho con không?” Điều này sẽ giúp trẻ mở lời và cảm thấy thoải mái hơn khi tâm sự với cha mẹ.

  1. Không tỏ thái độ coi thường con

Nhiều cha mẹ có tâm lý mình là bề trên, có quyền coi thường, bác bỏ lời con nói. Cách thể hiện thái độ này sẽ khiến con bạn cho rằng con không được cha mẹ coi trọng. Khi nói chuyện cùng con, cha mẹ cần đặt mình ngang hàng với con như một người bạn. Qua đó, trẻ sẽ dễ tiếp nhận và có cái nhìn khác về những cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái.

  1. Tập trung lắng nghe

Một nguyên tắc quan trọng khi nói chuyện với con là tập trung lắng nghe. Bạn cần nhìn thẳng vào mắt con khi nói chuyện, tránh làm việc riêng như dùng điện thoại, xem tivi hoặc đọc sách. Nếu trẻ nói chuyện nhưng bạn không tập trung lắng nghe, con sẽ cảm thấy lời nói của bản thân không có trọng lượng và cha mẹ không quan tâm cuộc trò chuyện này.

  1. Nghe nhiều hơn nói

Khi trò chuyện cùng con, cha mẹ nên để con bày tỏ hết suy nghĩ, bản thân chỉ tập trung lắng nghe và mở lời khi cần thiết. Nếu cha mẹ nói không ngừng hoặc chỉ biết bác bỏ lời con nói, trẻ sẽ không có cơ hội nói hết suy nghĩ của mình và cảm thấy thất vọng vì không được lắng nghe. Nếu trẻ cần lời khuyên, bạn hãy để trẻ bày tỏ xong rồi góp ý sau.

  1. Tránh nói tục

Một số người lớn cho rằng nói tục là cách tốt nhất để thể hiện cảm xúc. Tuy nhiên, cha mẹ là người gần gũi với con, là hình mẫu để trẻ noi theo và áp dụng khi giao tiếp với xã hội. Nếu cha mẹ nói tục thường xuyên, trẻ sẽ bắt chước và cho rằng những lời này hoàn toàn bình thường, được phép sử dụng rộng rãi. 

  1. Cho phép trẻ bày tỏ ý kiến, quan điểm cá nhân 

Cần lắng nghe và cho phép trẻ nói nhiều hơn. Nếu trẻ đưa ra quan điểm chưa tốt, cha mẹ có thể phân tích cái đúng, cái sai để trẻ hiểu và rút kinh nghiệm. Những đứa trẻ biết thảo luận sẽ học được cách suy nghĩ trước khi nói, đồng thời xây dựng kỹ năng đưa ra quyết định và quản lý cảm xúc. 

  1. Không nổi nóng 

Nổi nóng sẽ phá hủy toàn bộ cuộc trò chuyện gia đình, đồng thời khiến trẻ sợ hãi và từ đó không dám nói chuyện với cha mẹ. Nếu tức giận, bạn có thể nói với trẻ là bạn đang không vui và cần thời gian lấy lại bình tĩnh. Cha mẹ nên dành thời gian ở một mình hoặc đi dạo, hít thở để xóa bỏ những cảm xúc tiêu cực rồi sau đó quay lại nói chuyện với con. Khi đã đủ bình tĩnh, bạn hãy phân tích cho trẻ biết vì sao bạn tức giận. Cách làm này sẽ tránh tạo ra mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, đồng thời giúp trẻ rút ra bài học cho riêng mình. 

Chúc quý phụ huynh thành công trong việc gần gũi con mình hơn.

Cảm ơn quý phụ huynh đã theo dõi. Hãy tham khảo thêm nhiều kỹ năng trong việc nuôi dạy con cùng Vui Khoẻ Học Hay Cùng trong các số tiếp theo! Chương trình do An Group thực hiện, phát định kỳ 11:30 trưa thứ 4 và Chủ nhật trên kênh Youtube Xuân Hiếu Official và fanpage Happy House. Kính mời quý phụ huynh đón xem.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *