VUI KHỎE HỌC HAY CÙNG HAPPY HOUSE #12: CÁCH DẠY TRẺ TRÂN TRỌNG VÀ GIỮ GÌN ĐỒ DÙNG
- Cha mẹ hãy là tấm gương cho con nhỏ
Dạy con biết nâng niu, giữ gìn đồ đạc ngay từ khi bé lên 3 tuổi là cần thiết vì lúc này trẻ đã đủ lớn để hiểu những điều người lớn nói và bắt đầu hình thành thói quen giữ gìn đồ vật. Bé càng lớn thì càng thường xuyên bắt chước các hành động của người lớn. Vậy nên trẻ sẽ không thể nào giữ gìn đồ đạc khi ngay cả bố mẹ cũng vứt đồ đạc lung tung khắp nhà. Việc bố mẹ có ý thức trân trọng đồ dùng ảnh hưởng rất lớn đến bé. Hãy cất gọn quần áo, mũ trên giá, xếp giày dép ngăn nắp, bảo quản đồ vật ,v.v, và cha mẹ sẽ bất ngờ cho mà xem khi con mình cũng thực hiện theo đấy.
- Cho con dùng đồ riêng
Hãy giúp con phân biệt và đánh dấu đặc điểm “nhận dạng” các vật dụng riêng của bé như khăn, cốc, chén, bàn chải, chỉ cho con tủ đồ của mình và cách sắp xếp chúng sao cho thật ngăn nắp sau khi sử dụng. Nhận biết được đồ cá nhân của bản thân sẽ khiến trẻ không vứt bừa bãi, giữ gìn món đồ hơn để có thể sử dụng lần sau.
- Dọn đồ sau khi chơi xong
Việc dọn đồ chơi sau khi chơi xong là một cách vô cùng hữu ích để bé tập được tính gọn gàng, ngăn nắp và giữ gìn đồ vật được lâu hơn. Khi mới bắt đầu bé sẽ chưa thể biết nên làm thế nào, phụ huynh hãy cùng con dọn đồ chơi để trẻ học theo, đông thời khích lệ bé. Dần dần con sẽ ghi nhớ và có thói quen tự giác dọn đồ chơi. Sau mỗi lần dọn đồ, những lời khen ngợi sẽ giúp bé làm tốt hơn những lần sau. Cha mẹ đừng nghĩ trẻ còn nhỏ chưa biết gì nên việc nghịch ngợm vứt tháo đồ chơi là chuyện bình thường. Nếu để quá muộn, việc uốn nắn và chỉ bảo con sẽ rất khó.
- Không chiều theo ý con mua đồ bất kì lúc nào con thích
Bố mẹ đừng chiều chuộng và đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ một cách dễ dàng khi chúng muốn mua thứ gì đó mới. Việc trẻ dễ dàng có được thứ mình muốn sẽ khiến con không trân trọng và dễ bỏ đi một món đồ cũ không thương tiếc. Hãy tập cho con biết cố gắng trước khi nhận được phần thưởng xứng đáng, bé cần đạt đủ “chỉ tiêu” thì mới có được món đồ con thích. Khi trẻ biết được mình phải nỗ lực như thế nào mới có được đồ chơi mới, bé chắc chắn sẽ nâng niu và trân trọng món “phần thường” đó và biết được giá trị công sức mình bỏ ra.
- Để bé giúp đỡ các bạn khó khăn
Hãy cho con tham gia các hoạt động từ thiện, góp đồ cũ như quần áo, sách vở, đồ chơi cũ để tặng các bạn gặp hoàn cảnh khó khăn. Thông qua việc tiếp xúc với những trẻ khác, bé sẽ dần hiểu được những món đồ bình thường của mình thực sự là đáng giá với những bạn nhỏ khác, qua đó, trẻ sẽ càng nâng niu, trân trọng đồ vật hơn.
- Dạy bé qua cách giải quyết tình huống
Các tình huống thường nhật xảy ra trong gia đình đối với trẻ cũng là những bài học giáo dục về nhân cách sống rất thú vị. Đối với những bé hay hiếu động hoặc phá đồ đạc thì các bậc cha mẹ hãy thử tâm sự với bé rằng bạn buồn như thế nào khi thấy trẻ không trân trọng những món đồ mà cha mẹ trao tặng. Khi bé cảm nhận được việc mình làm là sai và làm cha mẹ buồn, bạn hãy đến gần con và nhẹ nhàng bảo ban bé, giải thích cho bé hiểu tại sao phải trân trọng những vật dụng trong gia đình. Đừng dạy bé theo kiểu ép buộc con phải thế này, thế kia, như vậy càng khiến bé ương bướng thêm mà thôi.
Những uốn nắn kịp thời trong quá trình con trưởng thành sẽ giúp con trở thành một người sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội sau này. Chúc quý phụ huynh thành công trong việc nuôi dạy con trẻ nhé.
Cảm ơn quý phụ huynh đã theo dõi. Hãy tham khảo thêm nhiều kỹ năng trong việc nuôi dạy con cùng Vui Khoẻ Học Hay Cùng Happy House trong các số tiếp theo nhé! Chương trình do An Group thực hiện, phát định kỳ 11:30 trưa thứ 4 và Chủ nhật trên kênh Youtube Xuân Hiếu Official và fanpage Happy House. Kính mời quý phụ huynh đón xem.