VUI KHỎE HỌC HAY CÙNG HAPPY HOUSE #13: KỸ NĂNG SỬ DỤNG ĐỒ CHƠI CẦN DẠY CON
1. Cha mẹ cần làm gì khi bé hay ngậm đồ chơi?
Ở độ tuổi còn nhỏ, con trẻ luôn muốn tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh thông qua các giác quan của mình và việc gặm hay ngậm đồ chơi cũng là một cơ hội như vậy. Vì thế, việc bố mẹ ngăn cản hành vi của bé cũng làm mất đi khả năng tìm tòi, khám phá mọi thứ xung quanh. Thay vào đó, hãy vệ sinh và bảo quản những đồ chơi của con thật kỹ trước và sau mỗi lần con sử dụng. Bên cạnh đó, hãy luôn sáng suốt và lựa chọn những đồ chơi thông minh, an toàn và phù hợp với trẻ để khi bé có đưa đồ chơi lên miệng cũng không gặp phải tác hại: như lựa chọn mua đồ chơi ở siêu thị hoặc cửa hàng uy tín để đảm bảo chất lượng nhựa làm đồ chơi, không chọn mua đồ chơi có các cạnh quá sắc bén, có những sợi lông nhỏ, hay đồ chơi quá nhỏ hoặc bé có thể cắn đứt, vì bé có nguy cơ nuốt vào gây hóc…
2. Dạy con biết cách nâng niu, giữ gìn đồ chơi
Ở độ tuổi hiếu động, trẻ thường hay có thói quen đập phá đồ chơi hoặc không bảo quản đồ chơi kỹ lưỡng. Việc giáo dục trẻ giữ gìn đồ chơi ở độ tuổi này tưởng đơn giản nhưng nhiều lúc cũng rất khó khăn và nan giải. Có nhiều bé mắc phải những lỗi làm hỏng, nghịch ngợm đồ chơi thì thường bị cha mẹ quát mắng và lo sợ, nhưng bé chỉ sợ lúc đó mà thôi, lại không rút cho mình được những kĩ năng để giữ gìn đồ chơi. Tốt nhất là các phụ huynh nên hướng dẫn bé một cách từ từ và nhẹ nhàng về việc bảo vệ đồ chơi của mình. cha mẹ có thể dạy cho bé tham gia các tính huống phân biệt các dùng đồ chơi đúng và sai để bé hiểu được ý nghĩa của hoạt động này và thoải sức chơi và khám phá các món đồ chơi một cách đúng cách. Nếu bé làm đúng theo hướng dẫn thì cha mẹ nên khen và tán thưởng bé để bé hiểu được cách nâng niu, giữ gìn đồ chơi có giá trị như thế nào.
3. Chia sẻ đồ chơi với bạn bè
Khi chơi ở nhà với bố mẹ, có thể bé hay được bố mẹ nhường cho và thường được tự ý chơi theo ý thích của mình. Tuy nhiên, khi chơi ở lớp hoặc chơi cùng với những bạn bè khác, bé sẽ có thể có những tính không tốt như tranh giành đồ chơi với bạn hoặc không hòa nhập được với các bạn khác dẫn đến tâm lý tự ti… Do đó, để tránh những điều không tốt này của trẻ, bố mẹ cần phải dạy trẻ học được đức tính biết chia sẻ với nhau, thay phiên nhau chơi đồ chơi.
Qua đó, bé sẽ tăng thêm tính tự tin, hòa đồng và hợp tác với nhau trong đám đông, tăng khả năng làm chủ cái tôi cá nhân. Khi chơi những trò chơi nhiều người này, những bé có khả năng làm chủ đám đông và biết cách chia sẻ đồ chơi với bạn bè thường sẽ có những khả năng lãnh đạo vượt trội sau này.
4. Tự lập thu dọn và cất đồ chơi đúng chỗ sau khi chơi
Việc các bé chơi đồ chơi và vứt đồ chơi bừa bãi là điều rất thường gặp ở hầu hết các gia đình có con nhỏ. Cha mẹ đừng nghĩ rằng con còn nhỏ, và việc cha mẹ tự mình dọn cho con sẽ nhanh hơn để trẻ tự mình làm. Vì dạy con tự dọn đồ chơi là một cơ hội tuyệt vời để rèn cho con tính tự lập, ngăn nắp và siêng năng, biết giúp đỡ cha mẹ những việc nhỏ sau này.
Để đảm bảo được thói quen cất gọn đồ chơi đúng chỗ sau khi chơi, các phụ huynh cần phải đặt ra cho bé những quy tắc về nơi cất đồ chơi, cách cất gọn đồ chơi và đảm bảo bé phải thực hiện mỗi ngày hoặc mỗi lần chơi xong, đừng nhượng bộ con khi bé mè nheo vì sẽ làm bé mất đi tính quy củ.
Nắm được những kĩ năng sử dụng đồ chơi đúng cách và ý nghĩa sẽ giúp các bé phát triển toàn diện một cách tối đa và hình thành nên những thói quen cũng như đức tính tốt cho bé. Cảm ơn quý phụ huynh đã theo dõi. Hãy tham khảo thêm nhiều kỹ năng trong việc nuôi dạy con cùng Vui Khoẻ Học Hay Cùng Happy House trong các số tiếp theo nhé! Chương trình do An Group thực hiện, phát định kỳ 11:30 trưa thứ 4 và Chủ nhật trên kênh Youtube Xuân Hiếu Official và fanpage Happy House. Kính mời quý phụ huynh đón xem.