VUI KHỎE HỌC HAY CÙNG HAPPY HOUSE #21: LÀM SAO NHẬN BIẾT CON TRẺ BỊ ÁP LỰC KHI ĐI HỌC

Trẻ bị stress, áp lực khi đến trường có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, từ mầm non đến trẻ cấp 2, cấp 3. Do đó phụ huynh cần nhận biết những dấu hiệu để có cách động viên, hỗ trợ con hợp lý để con giải tỏa cảm xúc và hứng thú hơn với việc học tập.

I. Những dấu hiệu nhận biết con trẻ bị áp lực khi đến trường, như sau:

–       Kết quả học tập sa sút

–       Gặp khó khăn trong việc tập trung

–       Thường xuyên mất ngủ, tâm trạng lo lắng bất an

–       Sợ đi học sợ thầy cô

–       Rối loạn ăn uống, hay đau đầu, ngủ gật

–       Lầm lì, ít nói, giao tiếp với mọi người, thường xuyên cáu gắt không rõ nguyên nhân

–       Có biểu hiện chống đối, tiêu cực

–       Thường xuyên than vãn về việc học tập

II.  Phụ huynh cần làm gì khi thấy con có biểu hiện stress trong học tập

1. Lắng nghe, trò chuyện với con nhiều hơn

Hãy luôn lắng nghe con tâm sự những khó khăn, mệt mỏi trong học tập và hay chia sẻ, thông cảm cùng con. Chỉ khi trò chuyện với con nhiều hơn bố mẹ mới nhận thấy được những khó khăn trẻ đang trải qua và tìm cách giúp đỡ trẻ có phương pháp học tập, nghỉ ngơi phù hợp.

2. Không đặt nặng điểm số

Cùng trẻ học tập, trò chuyện xem trẻ đang cảm thấy khó khăn ở đâu để cùng trẻ vượt qua. Đừng đặt nặng vào thành tích và điểm số, nó sẽ khiến trẻ cảm thấy lo lắng và mệt mỏi. Hãy đồng hành cùng con trong việc học, định hướng cách học, khuyên trẻ nghỉ ngơi và lựa chọn phương pháp phù hợp với năng lực của trẻ.

3. Khen thưởng động viên, không nên quát mắng

Cha mẹ cũng hãy là người biết phê bình, khen thưởng đúng lúc, những món quà nho nhỏ tặng vì con có những tiến bộ trong học tập hay làm được việc tốt, giúp đỡ mọi người như: món đồ chơi con yêu thích bấy lâu hay chiếc balo đi học mới màu sắc trẻ thích hoặc bộ dụng cụ học tập đầy đủ,… cũng có tác dụng khích lệ con cố gắng hơn.

4. Tạo điều kiện để con chọn môn học ưa thích

Hãy luôn tạo điều kiện tối đa để trẻ có thể tự quyết định và lựa chọn môn học mà bé yêu thích thay vì ép buộc, con sẽ cảm thấy thoải mái hơn.

5. Cho trẻ ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý

Cha mẹ nên lựa chọn các thực phẩm sạch, an toàn, giàu dinh dưỡng, chế biến đa dạng thành các món ăn ngon, hấp dẫn, hợp khẩu vị trẻ, đặc biệt nên sử dụng nhiều thực phẩm bổ não, tăng cường trí nhớ. Ngoài ra, nên hạn chế cho con ăn các thức ăn nhanh, đồ đóng hộp, chất kích thích.

Bên cạnh việc học thì bố mẹ cần quan tâm đến giấc ngủ và thời gian nghỉ ngơi của con. Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi điều độ sẽ giúp trẻ cải thiện trí óc và khả năng tập trung. Dành thời gian trong ngày để trẻ vận động, thư giãn sẽ giúp mọi căng thẳng được giải tỏa, đầu óc trở nên minh mẫn hơn.

6. Trao đổi với chuyên gia, bác sĩ để tìm hướng can thiệp kịp thời

Các bậc phụ huynh nếu nhận thấy trẻ stress nặng thì nên đưa trẻ đến thăm khám tâm lý tại các cơ sở y tế có tiếng, các chuyên gia tâm lý và bác sĩ chuyên khoa sẽ can thiệp kịp thời, đưa ra liệu pháp phù hợp, giúp trẻ nhanh chóng cải thiện sức khỏe và tinh thần.

Ngày nay, các bệnh lý về tinh thần không chỉ xảy ra ở trẻ lớn tuổi, mà còn xảy ra ở những trẻ còn rất nhỏ. Vì thế mẹ hãy là những người bạn thật tâm lý để đồng hành và cùng con học tập cũng như phát triển toàn diện nhé.

Cảm ơn quý phụ huynh đã theo dõi. Hãy tham khảo thêm nhiều kỹ năng trong việc nuôi dạy con cùng Vui Khoẻ Học Hay Cùng Happy House trong các số tiếp theo nhé! Chương trình do An Group thực hiện, phát định kỳ 11:30 trưa thứ 4 và Chủ nhật trên kênh Youtube Xuân Hiếu Official và fanpage Happy House. Kính mời quý phụ huynh đón xem.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *