PHÂN BIỆT THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ VÀ CA DAO
Việt Nam mình có một kho tàng thành ngữ, tục ngữ, ca dao,… rất đồ sộ. Những câu như “chân yếu tay mềm”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”,.. rất thông dụng để dạy cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ và phân biệt sự khác nhau giữa thành ngữ, tục ngữ, ca dao. Phần giải thích dưới đây sẽ cho chúng ta biết điều đó.
✅ THÀNH NGỮ
Thành ngữ là một phần câu sẵn có, nó là một bộ phận của câu, mà nhiều người đã quen dùng, nhưng tự riêng nó không diễn được một ý trọn vẹn. Về hình thức ngữ pháp, mỗi thành ngữ chỉ là một nhóm từ, chưa phải là một câu hoàn chỉnh.
VD: Một nắng hai sương, Ếch ngồi đáy giếng, Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa,…

✅ TỤC NGỮ
Tục ngữ là một câu tự nó diễn trọn vẹn một ý, một nhận xét, một kinh nghiệm, một luân lý, có khi là một sự phê phán. Về hình thức ngữ pháp, tục ngữ dù ngắn đến đâu cũng là một câu hoàn chỉnh.
VD: Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão; Ăn cây nào, rào cây ấy; Có công mài sắt, có ngày nên kim; v.v…

✅ CA DAO
Ca dao là những lời thơ trữ tình dân gian; được sáng tác nhằm diễn tả thế giới nội tâm của con người và kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng. Về hình thức ngữ pháp, ca dao là những lời thơ ngắn gọn, được biết bằng thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể nên rất dễ ghi nhớ.
VD:
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ , canh gà Thọ Xương
v.v….

❤❤❤
ĐƯỢM HỒN NƯỚC VIỆT
Có một điều dễ nhận thấy là thành ngữ, tục ngữ, ca dao đều có xuất xứ từ dân gian mà ra.
Nếu ca dao sử dụng chất liệu là nếp sống, lối suy nghĩ của dân tộc ta qua 4000 năm văn hiến rồi trình bày bằng thể thơ lục bát – thể thơ mang hồn dân tộc thì thành ngữ, tục ngữ cũng hình thành từ đời sống, xã hội xưa, được dùng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày mà nên. Hết thảy đều dân dã, đượm hồn dân tộc mà không phải ở đâu cũng có.
Đặc biệt, cả thành ngữ, tục ngữ và ca dao được truyền miệng từ đời này qua đời khác tồn tại bền bỉ, trở thành kho tàng quý giá của dân tộc ta. Vì vậy, hãy dạy trẻ biết về những nét đẹp của thành ngữ, tục ngữ, ca dao của người Việt mình, để hiểu hơn về nguồn cội, thấy được cái hồn dân tộc qua từng câu chữ, bạn nhé!
Nguồn: http://redsvn.net/phan-biet-tuc-ngu-thanh-ngu-va-ca-dao/